Chiều ngày 18/3/2024, ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp khảo sát việc thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”, tại xã Tân Thuận Tây.
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy xem ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán thực hiện ứng dụng tưới thông minh trên điện thoại thông minh
Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”, do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định phê duyệt nhiệm vụ, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11/2020, tại Thuận Tân và Tâm Quê Hội quán xã Tân Thuận Tây.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước; nghiên cứu phát triển một số ứng dụng điển hình của Làng thông minh dựa trên nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương…
Theo đó, đến nay đề tài thực hiện hoàn thành 12/12 nội dung, như: Xây dựng Cổng thông tin lắp đặt camera giám sát an ninh tại các vị trí quan trọng trên địa bàn xã Tân Thu; lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường, tưới tự động, chiếu sáng công cộng thông minh, giám sát điện, nước thông minh, hệ thống sổ tay canh tác điện tử;…Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, đang tiếp tục tập huấn, hướng dẫn sử dụng, tổ chức các hội thảo báo cáo kết quả thực hiện, tiến hành đánh giá và bàn giao các mô hình.
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy làm việc các sở, ngành Tỉnh, lãnh đạo thành phố Cao Lãnh về mô hình Làng thông minh
Qua khảo sát các mô hình, trao đổi với lãnh đạo xã Tân Thuận Tây, Chủ nhiệm hai Hội quán và lãnh đạo các ngành liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu nhóm nghiên cứu đề tài, các đơn vị tích cực hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị thông minh đảm bảo đạt yêu cầu, có hiệu quả thiết thực. Sau khi nhóm nghiên cứu bàn giao các mô hình của đề tài, UBND thành phố Cao Lãnh có giải pháp khai thác hiệu quả, tập trung đầu tư thêm các thiệt bị và tập huấn người dân sử dụng, ứng dụng vào cuộc sống, nhất là nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, để tạo nét riêng, đúng nghĩa là làng thông minh, sau đó nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu địa phương kêu gọi đầu tư vào làng thông minh để phát huy hiệu quả, có thêm nguồn lực tăng cường thiết bị thông minh; có người phụ trách kỹ thuật để khắc phục kịp thời các sự cố, các lỗi của thiết bị khi người dân cần.