Xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng hiện đại, giàu mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, trong đó lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số, chính sách và công nghệ là động lực.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến tham quan Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp
Để chuyển đổi số thành công cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và toàn dân. Trong đó, chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt và quản lý quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số là mũi nhọn, xã hội số là trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, Đồng Tháp đã ban hành Đề án Chuyển đổi số, chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp; cùng với đó là việc thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Đến nay, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, giai đoạn 2021- 2023, Đồng Tháp thực hiện đạt và vượt 08/17 chỉ tiêu; trong đó 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trên 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 80% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử, 82% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh, 82% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử v.v..
Kinh tế số tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tỷ lệ doanh thu kinh tế số năm 2022 ước đạt 3,7% GRDP của tỉnh.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần Rynan Technologies phát triển và đưa vào vận hành Nền tảng số nông nghiệp tại địa chỉ https://vdapes.com.
Với lĩnh vực giáo dục, tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục. Hiện phần lớn dữ liệu quản lý giáo dục được cập nhật trên trang http://csdl.moet.gov.vn, số hóa gắn mã định danh các đối tượng cần quản lý của ngành giáo dục.
Chuyển đổi số lĩnh vực y tế cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật với 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, huyện triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thiết bị di động.
Trải nghiệm quét mã QR code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt
tại Đường sách thành phố Cao Lãnh
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở dữ liệu số; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện nền tảng dữ liệu số nông nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế số bằng việc thành lập không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh tế số khởi nghiệp và gia nhập vào không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt v.v..
Thành Nhơn