Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chuyển đổi số quốc gia
Bộ TT&TT vừa được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu các thông tin cập nhật thường xuyên, chính xác.
Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Ngày 31/7, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được tổ chức ngày 12/7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: Phạm Hải)
Theo thông báo, cùng với việc đánh giá những kết quả nổi bật, các tồn tại hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thời gian qua, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rõ quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới.
Thông báo nêu rõ: Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Về quan điểm, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ thống nhất rằng, chuyển đổi số đang là xu thế có tính toàn cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội, tất yếu khách quan.
Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về chuyển đổi số, nắm bắt xu thế thời đại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát triển đột phá về các lĩnh vực, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, có chính sách ưu tiên: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Cùng với đó, xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam, xã hội số là một nền tảng của xã hội Việt Nam, văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; triển khai hợp lòng dân và được nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số.
Đồng thời, tổ chức bài bản nhưng không cầu toàn, nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá; hành động quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên thông, liên kết, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư…
Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh và xác thực điện tử
Với các quan điểm trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. (Ảnh minh họa: Sở TT&TT Tây Ninh).
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định...
Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương, yêu cầu các thông tin cập nhật thường xuyên, chính xác.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh, xác thực điện tử và ứng dụng VNeID để đăng ký thông tin thuê bao đối với dịch vụ viễn thông di động mặt đất; cấp chữ ký số gắn với định danh điện tử; sửa đổi Nghị định 130 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký theo trình tự thủ tục rút gọn, phù hợp Luật giao dịch điện tử mới được thông qua.
Cùng với đó, Bộ TT&TT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0).
Bộ Công an sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên ứng dụng VNeID và có ít nhất trên 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với tỉ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID hàng tháng tăng từ 3% - 5%; cho phép người dân được tự cập nhật các dữ liệu cá nhân liên quan như trình độ học vấn, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, điện nước, viễn thông,… lên ứng dụng VNeID và xác thực để làm giàu thông tin…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/