ĐTO - Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg, chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày “chuyển đổi số” quốc gia. Khái niệm “chuyển đổi số” được nhắc đến nhiều những năm gần đây, khi công nghệ - thông tin phát triển như vũ bão trong cuộc cách mạng 4.0 trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiểu một cách ngắn gọn nhất, “chuyển đổi số” là phương thức và tiến trình ứng dụng “công nghệ số” (phủ sóng mạnh mẽ internet và 4G, 5G; bảo mật dữ liệu và an ninh mạng; điện toán đám mây; dữ liệu lớn...) vào tất cả mọi hoạt động của xã hội, của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực... “chuyển đổi số” tạo ra nguồn tài nguyên mới là dữ liệu - động lực quan trọng cho “kinh tế số” phát triển, khai phóng không gian hoàn toàn mới cho đất nước và mỗi địa phương vươn lên, vượt lên. Muốn “chuyển đổi số” , trước hết và nhanh chóng tạo lập hạ tầng băng thông rộng, các nền tảng số quốc gia và địa phương do chính người Việt làm chủ. Và quan trọng nhất là phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tự giác, tự nguyện tham gia sứ mệnh “chuyển đổi số”...
Ảnh: Lục Tùng
Trong tinh thần và sự chuyển hướng quyết liệt chung của cả nước về “chuyển đổi số”, là một địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, Đồng Tháp đang có những tín hiệu tích cực về “chuyển đổi số” như: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày “chuyển đổi số” tỉnh Đồng Tháp và hưởng ứng Ngày “chuyển đổi số” quốc gia năm 2022 (ngày 10/10); tổ chức tuyên truyền kịp thời, thường xuyên về “chuyển đổi số” và Ngày “chuyển đổi số” trên các phương tiện thông tin đại chúng; nền tảng “chuyển đổi số” ngành nông nghiệp sẽ khai trương vào Ngày “chuyển đổi số” tại Hội trường UBND tỉnh; hỗ trợ Nhân dân sử dụng ứng dụng e-Dongthap; vận động Nhân dân thanh toán bằng hình thức ít hoặc không dùng tiền mặt; chủ động và tích cực tham gia sử dụng “dịch vụ công” trực tuyến...
Tuy nhiên, để hòa chung một cách tốt nhất nhịp độ và tiến trình “chuyển đổi số” của cả nước, theo tác giả bài viết, Đồng Tháp tiếp tục tích cực triển khai và thực hiện một số công việc chủ yếu sau:
Một là, muốn “chuyển đổi số” thành công, trước hết, tỉnh ta phải từng bước thực hiện cho được “công dân số”, nghĩa là, người dân phải biết và dần thành thạo “kỹ năng số”, nhất là những kỹ năng cơ bản như: truy cập “trơn tru” các nguồn “thông tin số”; chủ động, tự tin giao tiếp trong “môi trường số”; biết và thực thi được hoạt động kinh doanh, mua bán trên mạng; định danh cũng như xác thực dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong “môi trường số”... Thực vậy, không thể “chuyển đổi số” từ phía chính quyền, từ doanh nghiệp, từ các ngành, các lĩnh vực... khi người dân chưa là “công dân số”. Nói một cách mộc mạc, khi đa phần người dân còn “mù tịt” về “công nghệ số”, “số hóa”... thì “chuyển đổi số” chẳng thể thực hiện thành công, dù kỳ vọng có lớn đến đâu! Nhưng, thực hiện “công dân số” không thể một sớm một chiều, nhất là với đối tượng người lao động là nông dân. Rất cần một kế hoạch cụ thể, khả thi về lộ trình thực hiện “công dân số” cho Nhân dân tỉnh nhà.
Hai là, “chuyển đổi số”, trước hết là phải hướng đến quyền lợi, lợi ích đích thực của Nhân dân và doanh nghiệp của tỉnh nhà mà rõ nhất là sự thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả từ lĩnh vực “dịch vụ công” trực tuyến, cũng như các tiện ích xã hội khác qua mạng. Đồng Tháp là một trong những địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (năm 2021, đã có 427 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia). Tuy mới đạt tỷ lệ 23,6% trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh, nhưng đây cũng là những cố gắng quan trọng trong tiến trình “chuyển đổi số” ở Đồng Tháp. Trong năm 2022 và những năm tới, tỷ lệ này rất cần phải được nâng cao. Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng chính thống phải vào cuộc một cách quyết liệt, qua đó, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia, thực hiện tiến trình “công dân số” một cách hiệu quả nhất có thể.
Ba là, không gì thiết thực hơn lúc này trong sứ mệnh “chuyển đổi số”, Đồng Tháp cần tiếp tục đẩy mạnh Đề án chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh, sau 4 năm thực hiện thí điểm bằng thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Bưu điện Việt Nam. Hội nghị sơ kết về Đề án này đã được tổ chức vào ngày 11/8/2022 và đã có những đánh giá, kết luận bước đầu khả quan như: Đề án đã ít nhiều mang lại lợi ích thiết thực, được cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân... đồng thuận, thực hiện; Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã hoạt động bước đầu có hiệu quả và đã có sự kết nối, liên thông thực chất với các cấp dưới; nhìn chung, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc Đề án; đa phần “bộ phận một cửa” đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị tốt hơn... Tuy vậy, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cần đẩy mạnh tiến trình thực hiện Đề án bằng một số giải pháp mạnh mẽ hơn như: các ngành, các địa phương tiếp tục chủ động, tích cực trong tiến trình tham gia thực hiện Đề án; sự liên thông trong kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công giữa các cấp, các ngành cần được nâng cao, không chỉ bằng số lượng mà phải chú trọng chất lượng chiều sâu của các dịch vụ; tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số “bộ phận một cửa” kết hợp bưu điện - văn hóa cấp huyện, thị, cấp xã trong tỉnh... Trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về “chuyển đổi số”, ngày 8/8/2022, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, trong nhiều đánh giá, kết luận, Thủ tướng đã có một nhắc nhở quan trọng, đại ý: Khi thực hiện “chuyển đổi số”, nói phải đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”, tránh hình thức chủ nghĩa. Càng không để tình trạng “dịch vụ công” trực tuyến mở ra nhiều, nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng số phong phú, cơ sở dữ liệu lớn, nhưng tính đồng bộ, liên thông còn thấp...
Xin lấy nội dung lời nói trên của Thủ tướng làm kết luận cho bài viết này, nhân Ngày “chuyển đổi số” quốc gia lần thứ nhất (10/10/2022), với hy vọng, sứ mệnh “chuyển đổi số” của Việt Nam và Đồng Tháp, ngày càng đạt được những thành tựu to lớn.